Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Thương về mùa nước nổi


Giữa tháng 9, khi cái hanh hao, gay gắt của nắng hạ không còn thiêu đốt phương Nam nữa cũng là lúc miền Tây quê tôi bước vào “mùa nước nổi”. Khoảng thời gian đặc biệt ấy đã gắn liền với tuổi thơ tôi và bạn bè đồng trang lứa như một kỷ niệm đẹp không thể quên mỗi khi nhớ về quê nhà.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Sống ở thành thị hơn chục năm nay nhưng mỗi khi nghe trên báo đài báo tin mùa nước lũ, trong lòng tôi lại dâng lên bao nỗi nhớ. Gọi điện về nhà, mẹ bảo nước đã xâm xấp thềm nhà, còn khu vườn thì đã đến đầu gối. Ba và mấy đứa em đã sắm sửa chiếc xuồng nhỏ, mấy tay lưới, vài cái lợp đặt cá để tìm chút niềm vui mùa nước lên. Tôi nghe mà thấy lòng háo hức như thuở bé, chỉ muốn bỏ hết công việc mà về nhà với ruộng đồng, nước lũ.
Quê tôi ở An Giang, lại thuộc huyện đầu nguồn sông Mekong nên bao giờ cũng đón mùa lũ sớm nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác. Hằng năm, cứ vào độ tháng 9, nước từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về với tốc độ nhanh như chớp. Có khi lúc sáng nước mới lấp ló bờ sông, đến trưa đã “bò” lên bậc thềm sau bếp.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Người dân quê tôi không dùng từ “nước nổi” mà gọi một cách dung dị là “mùa nước ngập”, bởi nước dâng đến đâu là ngập đến đó. Khắp làng xóm nhà nhà đều tranh thủ gặt hái xong xuôi vụ mùa rồi bắt tay chuẩn bị lưới, giăng câu, đặt lợp… sẵn sàng đón bầy cá từ thượng nguồn đổ về. Hơn tháng trời, cả khu chợ quê tràn ngập đặc sản, nào là cá linh, cá lóc, cá trê, cá rô, lươn, rùa, rắn, chuột đồng… rồi bông điên điển, bông súng đồng, bông so đũa. Cá nhiều quá ăn không hết thì làm mắm, làm khô để dành cho mùa sau cũng rất ngon.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Sau mỗi buổi học, lũ trẻ nhà quê chúng tôi thường trốn ngủ trưa ra vườn câu cá rồi hái bông súng đồng về cho mẹ nấu canh chua. Bông súng này cọng nhỏ, thon dài và có bông màu xanh trắng chứ không mập mạp như loại màu tím thường thấy ngoài chợ. Thế mà chỉ cần chục cọng, tước vỏ rồi nấu canh chua cùng mấy con cá rô mề vừa câu, nêm thêm vài đọt húng quế và trái ớt hiểm cay xé lưỡi… đã có một tô canh ngon mê li. Cá rô đồng chỉ to hơn hai ngón tay, thịt ngọt thơm chứ không béo ú mà nhạt thếch như mấy con bán ngoài chợ. Cá này nấu gì cũng ngon, từ kho tộ, kho tiêu, nấu canh hay chiên giòn. Tôi đặc biệt mê món cá rô kho với trái me tươi, chua chua, cay cay chấm cùng với dưa bông điên điển hay bông súng bóp giấm của mẹ. Giờ nghĩ tới vẫn thấy bụng cồn cào.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Còn một đặc sản mà không phải ai cũng thử qua hoặc là không dám thử qua, đó là rắn. Đồng ruộng ngập nước nên chúng không còn nhiều nơi trú ẩn phải đi tìm thức ăn và bị mắc vào lưới. Những con rắn bông súng dù đem ướp muối chiên vàng hay xé phay trộn gỏi ngon không thua gì thịt gà. Rồi những con cá linh nhảy tanh tách, tô canh bông điên điển đăng đắng, bùi bùi hay món chuột đồng nướng vàng ruộm… tất cả là bữa tiệc dân dã, ngon miệng không thể nào quên.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Mùa này, rừng tràm Trà Sư quê tôi chắc đã tràn nước lũ, mang theo từng mảng bèo tấm xanh mướt phủ khắp bến bờ. Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, chậm rãi buông mái chèo, tôi lạc vào một thế giới khác, trong lành và tinh khiết vô cùng. Từng tia nắng lấp lánh xuyên qua đám rừng già rồi phản chiếu lên mặt nước óng ánh sắc xanh. Giữa làn khí mát mẻ, quyện hương hoa tràm thơm ngát là thế giới sinh động của vô số loài chim quý: cò, diệc, cồng cộc, chích, le le, gà nước, điên điển… thản nhiên bay mà không quan tâm đến những vị khách lạ. Có chú chim non đang tập tành bay lượn, có chú lục tìm thức ăn trong bụi rậm hay bay náo loạn trên các ngọn cây… làm ai nấy đều thích thú dõi theo.
mùa nước nổi, miền tây, đồng bằng sông Cửu Long
Mỗi lần về đây, tôi thường lên đài vọng cảnh để ngắm nhìn bao quát toàn bộ rừng tràm nguyên sinh. Dưới ráng chiều ửng đỏ, từng đàn chim kéo nhau về tổ mang lại cảm giác yên bình, rất thân thuộc. Xa xa, ngọn Cấm sơn hùng vĩ cùng bức tượng Phật La hán khổng lồ như nét chấm phá làm hoàn thiện thêm bức tranh cho miền đồng quê An Giang thêm tươi đẹp.
Đặc biệt, lần nào tôi cũng không thể bỏ qua bữa ăn “hương đồng gió nội” do chính bà con địa phương nơi đây trổ tài. Những món ăn thoạt nhìn như đơn giản như: gà nướng mật ong rừng, cá lóc nướng trui, cá linh nấu canh chua bông điên điển, bông súng đồng bóp giấm, gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn, cá chạch nướng… nhưng khi thưởng thức giữa chòi lá mát mẻ, giữa bốn bề sông nước và cây rừng bảo đảm bạn sẽ nhớ mãi.
(Theo Viettravel)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét