Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Lên rừng nhặt quả Ư - Loài thảo dược đặc biệt: 1 vài chục năm mới ra trái 1 lần









Sơ lược về quả Ư:
Ư (ở những vùng khác nó có những tên gọi khác nhưng vẫn na ná nhau) là loài cây cổ thụ sống chủ yếu ở khu vực miền trung nước ta, thân cao vượt các loại khác trong rừng. Theo các thợ rừng, nó cao hơn các loài khác đến 5-10m, do đó khi cây ra quả thợ rừng dễ dàng nhìn thấy nó từ rất xa qua màu trắng đặc trưng của lá - quả. Quả được bọc trong lá có hình chiếc thuyền, kết cấu mà mẹ thiên nhiên ban cho giúp cây phát tán hạt đi rất xa, khi gió nỗi lên, các hạt đã "đủ tiêu chuẩn" bung ra và bay theo gió, nó xoay tròn tít cực kỳ đẹp mắt - Ắt hẳn trong chúng ta đã quá quen với bài hát "Cánh hoa dầu xoay tít bay bay" - thì quả Ư có thể nói là vũ điệu của nó cũng lãng mạn không kém.

Sự đặc biệt của cây Ư ở điểm là nó chỉ chịu ra quả vào những năm hạn hán khốc liệt nhất mà thôi (hứa hẹn 1 mùa nông tồi tệ phía trước). Lần gần nhất mà dân các tỉnh Phú Yên - Bình Định được hưởng mùa Ư là năm ... 1982, tức là đã 32 năm tròn - Quá đặc biệt.

Quả Ư thì có rất nhiều công dụng, từ các chứng đau đầu kinh niên, nhức mỏi... đều dùng tốt.

Cách sử dụng cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần ngâm trong nước vài phút quả sẽ bung ra rất to, sau đó ta bỏ vỏ và hạt, cho thêm đường - đá - chanh vào sẽ có ly nước giải khát mát lạnh tràn đầy sinh lực.

Vì cái sự "Độc" của quả Ư mà tôi đã vù về miền trung ngay khi biết tin - cả đời người được mấy lần chứng kiến nó đâu chứ - Sau 1 đêm vất vả trên chuyến xe đường dài (mình hơi bị dỡ vụ xe cộ), 6h sáng đến nơi, lua vội chút bánh xèo miền trung (chủ yếu ít bột và vài cọng giá thôi  ) lên chiếc wave tàu cà tàng (đi rừng mà) đua khoảng 1h là đến bìa rừng già nguyên sinh. Do đến hơi bị trễ nên chỉ còn đống xe cộ nằm tự nhiên thôi, đây chỉ là 1 trong rất nhiều bãi xe như vậy, rồi họ cũng vô tư bỏ xe đó chứ chẳng ai thèm trông giữ hay cùm khóa gì hết.







Trước mắt là núi liền núi, chỉ có núi, lên xuống liên tục, tuy nhiên thử thách đầu tiên là "cổng trời", ranh giới giữa khu rừng già nguyên sinh thuộc tỉnh Bình Định với thế giới bên ngoài. Vì sao có cái tên "kêu" như vậy, lý do rất đơn giản, dù là dân miền núi nhưng con dốc trước mắt khiến dân bản địa phải ngao ngán, nó dường như là thẳng đứng, lên được đến đỉnh sướng cứ như đến trời vậy. Bò lên được đỉnh dễ khiến ta phải xây sẩm mặt mày.









Dân Việt ta có thói quen khai thác sản vật rất dễ thương: Cưa sát gốc, lặt đến quả cuối cùng, những gì còn lại sẽ được người đến sau vơ vét tiếp (gọi là mót) và họ mót đi mót lại vài lần, thế nên hễ gì lọt vào tầm ngắm của thợ săn chả mấy chốc sẽ được đưa vào sách đỏ "những chủng loài đã từng tồn tại trên địa cầu".









Và cũng rất thường tình, để hạ được 1 mục tiêu, họ phải gạt bỏ vài tay kỳ đà cản mũi.








May mắn lắm mới có 1 cây ưỡn ngực khoe thân với rừng - dù cành lá đã được thợ săn tỉa không còn 1 mống.







Là loài rất háu nước, chỉ cần vài giọt thôi, quả Ư lập tức bung ra ngay (phải thế mới có cơ hội bảo tồn nòi giống chứ).









Những ngày này trong rừng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng máy cưa vang lên, chỉ vài 3 phút sau 1 tiếng ầm vang lên, chắc bạn cũng hiểu chuyện gì sảy ra rồi chứ? Cho dù lực lượng kiểm lâm làm khá gắt, hàng chục chiếc cưa máy bị thu giữ - có đáng là bao so với lợi nhuận mà quả Ư mang lại.

Những người không có cưa máy, không có gan cưa cây hay nhân từ không muốn hạ sát cục vàng thì chịu cảnh đi mót quả, nhặt Ư bay - Là quả Ư được gió đưa đi khắp rừng, loại này rất được giá - Tiếng hú gọi nhau hầu như không lúc nào ngưng trong rừng già.



1 ngày vất và, với thành quả là túi khá nặng trên lưng, họ "tụt" xuống núi, nghĩ ngơi giây lát bên cây cầy (Kơ nia) .









Trên đường ra hàng tốp thương lái đứng bên đường mời chào bán quả (Ở xì phố ra đường chỉ có mấy ẻm mời chào mua không anh, còn vùng núi thì ngược lại, máy cô bên đường luôn đon đả "bán không anh" . 









Đường miền núi với những con dốc rợn người, kẻ chạy người kéo xe nó vẫn muốn văng đâu thì văng. Chuyện xe máy rớt từng món 1 (chắc cho nhẹ) là quá bình thường. Đứt sên, hay bể bánh lại được thân chủ ưu ái đặt bên vệ đường không hẹn ngày gặp lại - sang khủng khiếp.









Thời giá hiện tại, 1 kg Ư bay vừa ra khỏi rừng có giá 160k, về đến làng nó sẽ nhích lên 1-2 giá.
Có thể nói trong cái hạn của miền trung, khi dân không thể gieo trồng mùa vụ mới thì quả Ư với giá trị của nó đã và đang là cứu cánh của rất nhiều người dân vùng núi miền trung. 
Mỗi người trung bình có thể nhặt được từ 4-20kg (còn mấy anh hạ 1 cây sẽ thu trên 50kg, nếu cây tốt là trên 100kg nhé). Có gia đình đã thu hàng trăm triệu từ lộc rừng này, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không thiếu những chuyện buồn do Ư mang lại, ví như có người do hạ cây, bị cây ngã trúng đã phải mang thương tật suốt đời, hay như chuyện 3 cô gái thiếu kinh nghiệm đi rừng nhưng do quá mãi mê dẫn đến chuyện tối mịt mà không thể tìm được đường ra - họ đã có 1 đêm trãi nghiệm núi rừng trong nước mắt...


Cuối cùng là đây:
Thưởng thức thành quả sau 1 ngày quá phê, tối ấy mình làm cả chục quả, chả thế mà đêm ngủ cứ như ai đó bỏ khúc gỗ vào trong ấy của mình vậy, sáng dậy phẻ re, không tí mệt mõi hay đau nhức gì - Có phải đó là tác dụng của quả Ư ?
Cá nhân mình không dám khẳng định, tuy nhiên hầu hết dân bản địa mà mình tiếp xúc đều có chung những nhận xét ấy. Còn bạn, bạn đã từng thử qua nó chưa?










(Các từ - ngữ - tên gọi hay tính chất - kinh nghiệm... mình ghi lại từ người dân bản địa, cá nhân mình không phải là nhà nghiên cứu khoa học nên các bạn chém nhẹ tay cho, thanks).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét