Bao dung quá Sài Gòn ơi!…
Năm tám tuổi, mình đứng nép sau cửa buồng nhìn ba gom đồ đưa má lên Sài Gòn chữa bệnh. Sài Gòn của những ngày đó xa xôi lắm, mà mình chẳng thể hình dung nổi. Ba gom hết tiền bỏ vô túi, lấy kim may bít lại chỉ chừa ít tiền đi xe. Má vẫn thều thào bên giường bệnh, giấu cho kỹ coi chừng người ta bỏ bùa lấy mất. Lên trên đó không biết đâu mà lần.
Má ngồi dưới chiếc đò Khánh Hội nhìn lên, mình vẫn không thể nào quên ánh nhìn buồn buồn của má. Mình đứng trên bờ khóc ngất, mường tượng cảnh má không về nữa như mấy bộ phim chiếu trên truyền hình đủ làm mình tan nát. Chị hai nắm tay dắt mình vào nhà khi chiếc đò đã khuất dạng, chẳng còn nghe được tiếng xập xình quen thuộc. Thím Năm nhà bên lắc đầu, lên trển không biết trị có được không… Sài Gòn trong mình ngày ấy là những điều vụn vỡ.
Lần thứ hai mình ghét Sài Gòn là lúc mình không thể giữ chân chị mình ở lại với đất đai quê nhà. Giấc mơ đổi đời đã mang chị tan vào phố, rời xa rơm rạ quê nghèo. Người trong xóm xì xầm, con gái lên đó hư hết. Ba má mình cúi mặt mà đi, chắc vì thế mà nước mắt cũng rơi nhanh hơn. Chị biên thư về kể Sài Gòn đẹp lắm, cái gì cũng bự, sống phẻ re. Mãi đến khi chị đau ruột thừa, nhập viện chẳng có một người thân bên cạnh, cô bạn cùng phòng móc thiếu điều muốn rách cái túi cũng không lòi thêm được đồng nào đóng tiền cho ca mổ. Chị nằm chờ… Sài Gòn trong mình ngày ấy tàn nhẫn quá.
Đêm mình khăn gói lên Sài Gòn, má căn dặn đủ điều như thể Sài Gòn đâu đâu cũng là người xấu. Bữa đó, mình thật sự muốn ở lại, chẳng muốn rời đi. Chiếc xe chật ních những gương mặt người mỏi mệt. Mình ngồi trên xe chao chát, bác tài xế giọng vẫn vang vang, bà con xuống bệnh viện nào? Giây phút đó, mình thấy Sài Gòn không hào nhoáng như chị kể. Mình ngồi bên góc đường chờ chị đón, một anh thanh niên có khuôn mặt tái nhợt ngồi xích lại gần mình. Mình chợt nhớ lời má dặn, lấy tay nắm chặt túi quần, miệng không dám nói nửa lời. Anh thanh niên ngập ngừng một lúc “Bạn ơi! Lúc nãy mình đi khám bệnh hết tiền mà nhà chị mình ở Thủ Đức đi xe buýt về đó 10 nghìn. Bạn cho mình 10 nghìn nha”. Mình dúi vào tay anh thanh niên 10 nghìn trong sự hoài nghi của thuốc mê, bùa ngải. Anh thanh niên nở một nụ cười cảm ơn rồi chào mình, lúc anh giơ tay lên chào một miếng bông gòn trên tay anh vừa rơi ra. Chiếc xe buýt rời đi mà mình thì cứ nhìn theo mãi. Người ta đâu có gạt mình.
Chị dắt mình lại trung tâm luyện thi, chú gác cổng nở nụ cười hiền “dưới miền Tây lên hả con”. Để rồi mỗi lần thấy mình đi ngang chú bảo, ráng ôn cho đậu nghen con. Sài Gòn làm mình bớt bơ vơ hơn, khi cô chủ quán cơm đầu hẻm liên tục bảo, ăn cho no nghen, ở đây cơm ăn thoải mái. Cô chủ quán còn làm mình đứng thẫn thờ, lúc dúi vào tay đôi vợ chồng già mấy tờ bạc lẻ, tiền nong gì bác. Bà cụ già đứng ngại ngần, buôn bán vậy sao có lời. Cô chủ quán cười, bác đưa nữa là con giận à nghen.
Mình từng dừng lại rất lâu ở một góc đường xa lạ, nơi có cái tủ tiền lẻ nho nhỏ dành cho người nghèo hay môi mắt cay xè lúc thấy chị bán bún đút cho anh bán vé số cụt tay ăn. Những thùng bánh mì miễn phí, bình nước đặt gọn bên đường thầm lặng mà ấm lòng người đến lạ. Chợt thấy thành phố rộng quá chừng, đâu phải ai cũng như má nói. Những đêm Sài Gòn mưa rả rích, ngồi trong phòng nhìn ra, chị lao công gặp mình lại khoe, thằng con chị nói tiếng Anh như gió. Giọng nói chị ấm áp lạ kỳ cứ như cơn mưa ngoài kia chẳng thể làm lạnh đi giấc mơ của bà mẹ đơn thân giữa Sài Gòn tất bật.
Mình nhớ khu nhà trọ nghèo nằm sâu trong hẻm, nơi một đứa về quê cả dãy có quà. Những túi quà quê căng đầy, bạn mang qua gõ cửa phòng mình “ăn lấy thảo”. Rồi những chiều buồn buồn có đứa nói bâng quơ “nhớ quê quá mậy” làm ai cũng nhớ nhà.
Không dưng, mình thấy thương cho Sài Gòn, thương luôn những “đổ thừa” mà người ta gán cho Sài Gòn. Tại Sài Gòn làm con người ta thay đổi? Tại Sài Gòn vội quá nên để lạc mất nhau. Mình từng mang Sài Gòn ra làm cái cớ cho sự hờ hững, vô tâm. Đến một ngày rời xa Sài Gòn, mình như một người lạc mất quê. Sài Gòn trong mình giờ là nỗi nhớ, niềm thương.
Lang thang trên con đường quen thuộc, mùa chò nâu xoay tít rơi đầy góc phố, mình gặp lại đời mình trong ánh mắt của cậu thanh niên tỉnh lẻ lần đầu chạm mặt Sài Gòn. Nhặt lại từng ký ức đánh rơi như thể mình chưa từng bỏ lại nơi này. Sài Gòn lại bao dung với mình thêm một lần nữa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét