Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

 


Kính chào quí vị bạn đọc,
Tôi sinh ra ở Quảng Trị, lớn lên ở Cam Ranh, đi học ở Nha Trang, Thủ Đức. Sau đó qua Pháp du học rồi đến Mỹ lập nghiệp, 50 tuổi đầu lúa không trả lời được câu hỏi của con mình: ĐI VIỆT NAM hay VỀ VIỆT NAM????
Kính gởi mọi người tút chứa nhiều tâm sự nhất năm 2020 (xin lỗi vì đăng lại)!
MỘT CẢNH ... HAI QUÊ!
- Ba ơi, chừng nào mình đi Việt Nam?
- Về Việt Nam chứ con? Người ta nói về quê chứ không nói đi quê còn ạ! Quê hương nguồn cội của mình ở VN mà.
- Không phải vậy đâu ba, cô giáo ở trường Việt ngữ
dạy con nói: về nhà chứ không nói đi nhà. Nhà mình ở đây mà.
Cô cũng dạy quê hương là nơi chôn dau cắt rún, nơi ta sinh ra, nơi mồ mả cha ông hương khói. Bạn con nói ông nội của bạn chết chôn ở đây, bạn và con sinh ra ở đây ... nên quê cũng ở đây, như vậy đúng không ba???
Bạn đọc quí mến, 50 tuổi đời, trước câu hỏi đi VN hay về VN của con chiều nay ở nơi xứ người làm tui chơi vơi và hoá ... cà lăm... !
Ngồi vò đầu bứt tai, rầu rỉ, rờ râu râu rụng rờ ... rún rún rung rinh..... À ha, rún mình rụng ở VN nhưng rún con mình thì được cắt ở Mỹ. Vậy chúng tôi là ai????
Một dân tộc không có quá khứ (lịch sử) thì sẽ không có tương lai! Như cây có gốc rễ mới vững bền, con người cần nguồn cội!
Chúng tôi là ai nhỉ? ??? Là ai mà khi mới qua nhớ quê hương quay quắt, kiếm được đồng nào thì mua thẻ ... điện thoại gọi về. Đôi khi phải bán mạng kiếm vài đồng lẻ, đêm ngày nhịn ăn nhịn mặc... để gởi về quê nhà!
Chúng tôi là ai nhỉ? ??? Là ai????
Lúc xưa người ta gọi chúng tôi là bọn... chạy theo bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ...
Rồi sau đó là “khúc ruột ngoài vạn dặm”??? Ruột dư??? Ruột thiếu???
Chao ôi, dù gọi là gì thì chúng tôi vẫn máu đỏ da vàng, yêu quê hương Việt Nam và cố giữ gìn truyền thống ông cha theo ... cách của riêng mình.
Đừng vội chụp mũ chúng tôi là... này nọ vì lịch sử đôi khi lại trêu ngươi. Ai ngờ... kẻ thù xưa... nay lại giúp dân ta bám biển giữ đảo...và người bạn tốt... nay lại lộ nguyên hình là kẻ thâm hiểm xảo trá... muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng...
Có bao giờ ai đó đủ can đảm, ngồi xuống cùng nhau, ca cho nhau nghe bài ca không tên... của nhạc sĩ Vũ Thành An: Này em hỡi, con đường xưa đi
đó, con đường em theo đó (chơi với Mỹ )... đúng đó em ơi... Bởi lẽ nếu có thành đôi lứa ... chắc gì... chúng mình... đã thoát khỏi cuộc đời... nô lệ ngoại bang ???
Nếu có phải cầm súng, con ơi, cha sẽ chỉa về kẽ thù truyền kiếp đang lấn biển, cướp đảo và chèn ép đầu độc dân mình trước. Người ơi, xin đừng chỉa súng vào nhau vì chúng ta là ... người Việt Nam.
“ Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (ca dao)
Nếu anh chọn bắn tôi trước khi bắn kẻ thù truyền kiếp thì đó là nỗi bất hạnh cho dân tộc này. Hãy để máu tôi trôi ra biển Đông, hoà cùng máu của những người lính, cả bên này hay bên kia, đã ngã xuống khi bảo vệ đất Mẹ: Hoàng Sa, Trường Sa. Hãy để linh hồn tôi cùng hoà quyện với bao người xấu số đã bỏ mình trên biển hay chết vì bị hải tặc hiếp giết.
PS: Tôi yêu thơ văn bằng máu thịt, thích sưu tầm những đoạn văn hay. Xin mượn lời nhà văn Wilson
Lệ Hoa, đã làm tôi rơi nước mắt, thay cho lời kết và trả lời con gái: con ơi con nói đúng, vì trong sâu thẳm ba yêu Việt Nam như người mẹ sinh ra , nhưng mang ơn mảnh đất này như người nuôi nấng. Hai vai hai gánh: sinh thành và dưỡng dục. Nhưng....con ơi ba sẽ:
XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG
Trích đoạn từ bài báo:
Không phải tạm dung!
“.....Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước nầy, dân tộc nầy với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi sẽ hòa vào các chủng tộc khác nhau, rơi lệ khi thấy tòa nhà chọc trời sụp đổ, đau thương khi nhìn xác lính được chở về, hân hoan khi nghe bài quốc ca trong các cuộc tranh tài. Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi nầy làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy.
Thay vì trồng cây cổ thụ tạm thời trong một cái chậu nhỏ để nó chỉ được lớn èo uột trong bóng râm, tôi và gia đình muốn đào một hố sâu, đổ đầy phân bón, tưới tẩm nó với tất cả ân cần, săn sóc nó với tất cả sức lực để cho rễ mạnh nó ăn sâu vào lòng đất, cho tàn xanh nó tỏa rộng khắp không gian. Chúng tôi không tạm dung. Chúng tôi mọc rễ và yêu thương quê hương nầy. Rồi một ngày nào đó, ở bên kia góc trời có cần tới một bóng mát bình an, chúng tôi sẽ chiết bớt một nhánh cổ thụ đem về…
Chúng tôi chỉ có thể làm như thế khi chúng tôi nhận nơi nầy làm quê hương.” Wilson Lệ Hoa
Long Trần







Bước Tình Hồng ; Tác giả: Nguyễn trung Cang ; Ca sĩ: Thanh Hà 




Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

 

Bao dung quá Sài Gòn ơi!…

Năm tám tuổi, mình đứng nép sau cửa buồng nhìn ba gom đồ đưa má lên Sài Gòn chữa bệnh. Sài Gòn của những ngày đó xa xôi lắm, mà mình chẳng thể hình dung nổi. Ba gom hết tiền bỏ vô túi, lấy kim may bít lại chỉ chừa ít tiền đi xe. Má vẫn thều thào bên giường bệnh, giấu cho kỹ coi chừng người ta bỏ bùa lấy mất. Lên trên đó không biết đâu mà lần.
Má ngồi dưới chiếc đò Khánh Hội nhìn lên, mình vẫn không thể nào quên ánh nhìn buồn buồn của má. Mình đứng trên bờ khóc ngất, mường tượng cảnh má không về nữa như mấy bộ phim chiếu trên truyền hình đủ làm mình tan nát. Chị hai nắm tay dắt mình vào nhà khi chiếc đò đã khuất dạng, chẳng còn nghe được tiếng xập xình quen thuộc. Thím Năm nhà bên lắc đầu, lên trển không biết trị có được không… Sài Gòn trong mình ngày ấy là những điều vụn vỡ.
Lần thứ hai mình ghét Sài Gòn là lúc mình không thể giữ chân chị mình ở lại với đất đai quê nhà. Giấc mơ đổi đời đã mang chị tan vào phố, rời xa rơm rạ quê nghèo. Người trong xóm xì xầm, con gái lên đó hư hết. Ba má mình cúi mặt mà đi, chắc vì thế mà nước mắt cũng rơi nhanh hơn. Chị biên thư về kể Sài Gòn đẹp lắm, cái gì cũng bự, sống phẻ re. Mãi đến khi chị đau ruột thừa, nhập viện chẳng có một người thân bên cạnh, cô bạn cùng phòng móc thiếu điều muốn rách cái túi cũng không lòi thêm được đồng nào đóng tiền cho ca mổ. Chị nằm chờ… Sài Gòn trong mình ngày ấy tàn nhẫn quá.
Đêm mình khăn gói lên Sài Gòn, má căn dặn đủ điều như thể Sài Gòn đâu đâu cũng là người xấu. Bữa đó, mình thật sự muốn ở lại, chẳng muốn rời đi. Chiếc xe chật ních những gương mặt người mỏi mệt. Mình ngồi trên xe chao chát, bác tài xế giọng vẫn vang vang, bà con xuống bệnh viện nào? Giây phút đó, mình thấy Sài Gòn không hào nhoáng như chị kể. Mình ngồi bên góc đường chờ chị đón, một anh thanh niên có khuôn mặt tái nhợt ngồi xích lại gần mình. Mình chợt nhớ lời má dặn, lấy tay nắm chặt túi quần, miệng không dám nói nửa lời. Anh thanh niên ngập ngừng một lúc “Bạn ơi! Lúc nãy mình đi khám bệnh hết tiền mà nhà chị mình ở Thủ Đức đi xe buýt về đó 10 nghìn. Bạn cho mình 10 nghìn nha”. Mình dúi vào tay anh thanh niên 10 nghìn trong sự hoài nghi của thuốc mê, bùa ngải. Anh thanh niên nở một nụ cười cảm ơn rồi chào mình, lúc anh giơ tay lên chào một miếng bông gòn trên tay anh vừa rơi ra. Chiếc xe buýt rời đi mà mình thì cứ nhìn theo mãi. Người ta đâu có gạt mình.
Chị dắt mình lại trung tâm luyện thi, chú gác cổng nở nụ cười hiền “dưới miền Tây lên hả con”. Để rồi mỗi lần thấy mình đi ngang chú bảo, ráng ôn cho đậu nghen con. Sài Gòn làm mình bớt bơ vơ hơn, khi cô chủ quán cơm đầu hẻm liên tục bảo, ăn cho no nghen, ở đây cơm ăn thoải mái. Cô chủ quán còn làm mình đứng thẫn thờ, lúc dúi vào tay đôi vợ chồng già mấy tờ bạc lẻ, tiền nong gì bác. Bà cụ già đứng ngại ngần, buôn bán vậy sao có lời. Cô chủ quán cười, bác đưa nữa là con giận à nghen.
Mình từng dừng lại rất lâu ở một góc đường xa lạ, nơi có cái tủ tiền lẻ nho nhỏ dành cho người nghèo hay môi mắt cay xè lúc thấy chị bán bún đút cho anh bán vé số cụt tay ăn. Những thùng bánh mì miễn phí, bình nước đặt gọn bên đường thầm lặng mà ấm lòng người đến lạ. Chợt thấy thành phố rộng quá chừng, đâu phải ai cũng như má nói. Những đêm Sài Gòn mưa rả rích, ngồi trong phòng nhìn ra, chị lao công gặp mình lại khoe, thằng con chị nói tiếng Anh như gió. Giọng nói chị ấm áp lạ kỳ cứ như cơn mưa ngoài kia chẳng thể làm lạnh đi giấc mơ của bà mẹ đơn thân giữa Sài Gòn tất bật.
Mình nhớ khu nhà trọ nghèo nằm sâu trong hẻm, nơi một đứa về quê cả dãy có quà. Những túi quà quê căng đầy, bạn mang qua gõ cửa phòng mình “ăn lấy thảo”. Rồi những chiều buồn buồn có đứa nói bâng quơ “nhớ quê quá mậy” làm ai cũng nhớ nhà.
Không dưng, mình thấy thương cho Sài Gòn, thương luôn những “đổ thừa” mà người ta gán cho Sài Gòn. Tại Sài Gòn làm con người ta thay đổi? Tại Sài Gòn vội quá nên để lạc mất nhau. Mình từng mang Sài Gòn ra làm cái cớ cho sự hờ hững, vô tâm. Đến một ngày rời xa Sài Gòn, mình như một người lạc mất quê. Sài Gòn trong mình giờ là nỗi nhớ, niềm thương.
Lang thang trên con đường quen thuộc, mùa chò nâu xoay tít rơi đầy góc phố, mình gặp lại đời mình trong ánh mắt của cậu thanh niên tỉnh lẻ lần đầu chạm mặt Sài Gòn. Nhặt lại từng ký ức đánh rơi như thể mình chưa từng bỏ lại nơi này. Sài Gòn lại bao dung với mình thêm một lần nữa…
Nguyễn Chí Ngoan